Chuyển đến nội dung chính

Kinh nghiệm nghe hiểu tiếng Anh

Tất nhiên cách học của mỗi người khác nhau, còn phụ thuộc vào tư duy của mối người, học bằng mắt, bằng tai hay thích học bằng diễn đạt hành động, tư duy diễn dịch hay qui nạp. Nhưng tham khảo kinh nghiệm của những bạn đã nhiều năm đi trước, biết đâu bạn lại tìm ra cho mình 1 cách học phù hợp hoặc tìm ra 1 cải thiện nho nhỏ đem lại hiệu quả hơn nhỉ. Quan niệm của mình là nhiều thay đổi nhỏ liên tiếp sẽ tạo ra thay đổi lớn.
Cảm ơn bạn trannguyenphong - Tienganh.com.vn đã đem đến loạt bài viết này :
Trong 4 kỹ năng tiếng Anh thì kỹ năng nghe là tôi yếu nhất. Tôi đã tham khảo nhiều phương pháp luyện nghe và tôi thấy một trong những cách luyện nghe tiếng Anh hay, hiệu quả, thiết thực và mang tính sư phạm nhất là LUYỆN NGHE BẰNG PHẦN MỀM ENGLISH STUDY 4.1. Kinh nghiệm nghe English Study của tôi như sau:
- Quy trình nghe: Nghe không (cố gắng hiểu main idea)->Đọc lướt lại textscript để hiểu sơ qua nội dung->Nghe không lại (cố gắng hiểu ở mức độ cảm nhận)->Vừa nghe lại vừa xem textscript->Xem và đọc theo giọng người đọc vài lần->Nghe không lại (cố gắng hiểu và cảm nhận toàn bộ bài nghe).
- Chú ý: kỹ năng nghe chịu ảnh hưởng bởi Kỹ năng nói, nên luyện nói nhiều để bù vào kỷ năng nghe.
- Trong khi nghe, nếu gặp những câu dài, khó nghe thì yêu cầu mình chỉ cần dừng lại ở mức độ nghe hiểu và cảm nhận ý nghĩa chính của câu nói, không cần phải nghe rõ toào bộ các từ trong câu.
- Đối với những bài tự luận dài mà muốn nghe hiểu tốt thì phải tập trung đầu óc trong một thời gian dài, phụ thuộc vào khả năng chịu đựng áp lực của trí não dưới sức ép tâm lý lớn. Nếu quá sức thì có thể chia ra nhiều đoạn nhỏ để nghe rồi sau đó nghe hết lại một lần.
- Khi nghe ES, cần tập trung nghe rõ cách phát âm và ngữ điệu, hiểu trực tiếp bằng tiếng Anh thì càng tốt, nếu khó thì có thể liên hệ sang tiếng Việt. Nên nhớ khi nghe cần nhìn vào hình ảnh và liên tưởng ra hình ảnh của sự vật hay sự kiện trong đầu mình.
- Trong quá trình nghe nếu gặp phải những từ hay câu nghe không rõ thì sau khi nghe xong có thể Pause lại để ngẫm nghĩ lại câu nói. Nếu nghe mãi ko được thì có thể xem trong textscript rồi tập nghe lại. Nhớ "nghe bằng mắt" thì hiệu quả và nhanh hơn và đỡ chán hơn "nghe bằng tai".

KỸ THUẬT HỌC NGHE HIỂU TIẾNG ANH

ĐỀ DẪN
Trước đây, tôi thường bật băng lên là nghe; và khi nghe tôi cố nắm bắt những gì người ta nói, vì vậy mà tôi dường như không thể nghe được, không hiểu người ta đang nói gì. Nghe nhiều quá tôi bị ức chế và rất chán nản. Lúc đầu cũng quyết tâm nghe, cũng có lần quyết tâm và ham thích cái môn này, nghe đi nghe lại nhưng càng nghe tôi càng thấy rối vì không thể nào nắm bắt hết được những gì người ta nói
Nghe làm tôi sợ nhất vì tôi không hiểu người ta nói gì. Khi mình hiểu họ thì mình chủ động được và rất tự tin. Nếu mình không hiểu thì mình rất bị động, rất luống cuống. Chúng ta có thể nói chưa tốt nhưng chúng ta sẽ cố gắng nói được. Nếu nghe chưa tốt mà họ cứ nói liên tục thì nghe không kịp. Mình sẽ không hiểu và không hiểu thì ta sẽ lệch pha. Và trong công việc mà không hiểu thì rất gay go.
Các bạn đừng có nghe từng chữ. Nghe từng chữ không hiểu được. Chúng ta hiểu là hiểu theo từng cụm từ sau đó là từng ý và từng câu. Bạn phải nghe cụm từ, sau đó là ý, câu; chứ còn nếu các bạn nghe từng từ thì sẽ không thể nào hiểu được.
Ý thức tự trau dồi, tự vươn lên, tự học của bản thân là rất quan trọng. Mình tự học, tự trau dồi, mình cảm thấy mình thiếu cái gì thì tự trau dồi cái đó. Khả năng tự học của mỗi con người là quan trọng hơn rất nhiều lần so với kiến thức đã được dạy ở trên lớp.
Bạn nên thử các phương pháp học tập khác nhau xem phương pháp nào phù hợp nhất với mình, hiệu quả nhất với mình thì các bạn hãy đi theo phương pháp đó. Trong học ngoại ngữ, yếu tố tự học là quan trọng nhất. Không tự học chúng ta sẽ không bao giờ giỏi được.

VAI TRÒ CỦA NGHE HIỂU TRONG GIAO TIẾP
Khi mới học một ngoại ngữ thì nói ngoại ngữ rất là khó nhưng rồi dần dần thì trình bày một vấn đề bằng ngoại ngữ dễ hơn là nghe.
Bởi vì nghe đòi hỏi thứ nhất là mình phải nắm được vấn đề người ta đang nói với mình là gì. Thứ hai, là mình phải hiểu được, kể cả văn hóa, truyền thống, tập tục của người nói. Vấn đề ở đây là phải làm thế nào khi người ta nói mình phải hiểu được cả cái ý người ta nói gì, chứ không phải chỉ hiểu câu người ta nói ra.
Do đó, hiểu được người ta nói gì, ý của họ ra làm sao, sắc thái của từng ý như thế nào là vấn đề rất khó. Khả năng hiểu được tất cả những ý tứ của người nói phải qua thực tiễn sống, phải qua kinh nghiệm và phải qua cả sự hiểu biết về vấn đề đang trao đổi.
Khó khăn của người Việt học tiếng Anh, có ba khó khăn chính:
Một là, người Anh nói rất nhanh. Bởi họ nói có trọng âm và chỉ nhấn vào trọng âm thôi, lướt qua nhiều yếu tố. Họ có đặc thù là chỉ nhấn vào những trọng âm câu, tức là những từ quan trọng nhất ở trong câu, những từ chuyển tải ý chính của người nói. Chúng ta không nắm được cách nói đó nghe rất khó. Ngoài ra còn có các nét ngôn điệu khác nữa, ví dụ như luyến âm Come_on, đồng hóa âm Around_town, ...
Hai là, lối tư duy của chúng ta khác cho nên cách diễn đạt ý tưởng khác với người Anh. Do vậy, có khi biết tất cả các từ trong câu, nhưng chúng ta không hiểu được ý nghĩa của toàn câu.
Ba là, tác động của tiếng mẹ đẻ, trong chuyên môn người ta gọi là sự chuyển di hoặc sự can thiệp của tiếng mẹ đẻ. Khi học tiếng Anh chúng ta vẫn phát âm những âm của tiếng Anh theo âm của tiếng Việt. Đến khi nghe người Anh nói chúng ta không nhận ra, đặc biệt là vấn đề trọng âm.
Tuy nhiên nói đến học nghe chúng ta cần phải tính đến các kỹ thuật nghe cần rèn luyện để trau dồi kỹ năng nghe hiểu.
Trong thực tiễn giao tiếp, có 3 loại hình giao tiếp: (1) mặt đối mặt (face to face), (2) chỉ nghe tiếng (sound only), (3) vừa nghe vừa xem (sound on and vision on).
Rõ ràng chúng tôi cũng phải bắt học sinh học rất nhiều ngữ pháp, làm rất nhiều bài tập và việc đó dẫn đến một việc là các em rất căng thẳng trong việc học ngoại ngữ.
Có các mục đích nghe như sau:
1. Nghe nhận diện từ đã biết: nghe để xây dựng lòng tin
2. Nghe để lấy thông tin chính, tức là cốt lõi của một thông điệp
3. Nghe để lấy thông tin mình cần đến
4. Nghe để lấy các thông tin về miêu tả và phân tích thông điệp
5. Nghe để lấy tất cả các thông tin của thông điệp
6. Nghe ghi
7. Nghe chép chính tả

XÂY DỰNG VỐN TỪ VỰNG CHO NĂNG LỰC NGHE
Quy trình học ngoại ngữ quan tâm tới 3 chữ R:
Remember (ghi nhớ): có hai loại ghi nhớ: ghi nhớ để sử dụng ngay tại chỗ và ghi nhớ để sử dụng lâu dài. Điều quan trọng là người sử dụng ngôn ngữ phải xác định rất nhanh là ghi nhớ cái gì và không ghi nhớ cái gì.
Retain (lưu trữ): khả năng duy trì được vốn từ vựng, ngữ pháp trong một khoảng thời gian nào đó. Có những dữ liệu chúng ta phải duy trì cả đời, ví dụ như mẫu câu cơ bản, hoặc từ vựng cơ bản.
Recall (gợi nhớ): tức là gợi nhớ lại để sử dụng trong các tình huống giao tiếp cụ thể. Nếu trong tình huống giao tiếp mà chúng ta không gợi nhớ lại được thì vốn ngôn ngữ đó gọi là “vốn chết” hay “vốn ngôn ngữ thụ động”. Đây là vốn ngôn ngữ không sử dụng được một cách tích cực, không sử dụng được để sản sinh lời nói (nói) hoặc văn bản (viết). Cho nên năng lực giao tiếp được đánh giá bằng khả năng Recall.
Ba yếu tố Remember, Retain, Recall hoàn thiện quy trình học ngoại ngữ.
Về nghe hiểu, nếu chúng ta lưu trữ được càng nhiều mẫu câu, càng nhiều từ thì khả năng hiểu người khác nói càng lớn. Năng lực nghe hiểu, đặc biệt là nghe tích cực, tức là nghe nắm bắt được đầy đủ thông tin không phải là món quà của tự nhiên, mà phải học, phải được huấn luyện.
Phải xây dựng nền tảng cho khả năng giao tiếp nhất là qua nghe, nói. Thông qua hai hình thức. Hình thức thứ nhất: theo học một khóa học chính khóa nào đó, theo các trình độ cao dần. Hình thức thứ hai: là các hoạt động ngoài lớp học.
Nhưng hình thức nào thì cũng không quan trọng. Cái quan trọng là ở chỗ phương pháp tiến hành khóa học ấy như thế nào để tạo được năng lực sử dụng ngôn ngữ nói chung, trong đó có năng lực nghe.
Khi bắt đầu học tiếng Anh chúng ta đã phải xây dựng năng lực nghe thông qua một loạt các kỹ thuật, ví dụ kỹ thuật nghe trọng âm câu. Đặc biệt khi xây dựng vốn từ vựng để tạo nền tảng nghe hiểu và nói, chúng ta cũng phải thực hiện nguyên tắc đưa vốn từ vựng ấy vào văn cảnh, tình huống.
Rõ ràng tình huống hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong việc nhận diện từ, và nhờ đó cũng dễ nhớ hơn. Trong các sách giáo khoa tiếng Anh có muốn vàn tình huống như vậy. Chỉ có điều chúng ta có khai thác đúng hướng hay không thôi.
Học từ để phục vụ mục đích nghe hiểu cần có định hướng cụ thể thì mới có hiệu quả.
Nói đến xây dựng vốn từ vựng tức là xây dựng một vốn chung cho cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Không có bốn kho từ vựng riêng biệt dành cho bốn kỹ năng. Chỉ có một kho từ vựng duy nhất.
Khi sử dụng các kỹ năng, chúng ta vận dụng kho từ vựng chung này ở góc độ khác nhau một chút. Ví dụ khi viết thường phải dùng những từ có tính chất tầm chương trích cú (ngôn ngữ viết). Khi nói thường dùng từ đơn giản hơn, dùng dạng khẩu ngữ và những từ đệm như well, kind of, sort of, ... Tất cả các loại từ vựng đó đều phải được lưu trữ.
Khi học theo một quyển sách nào đó, chúng ta cần biết từ bao giờ cũng nằm trong văn cảnh (context), và như vậy không bao giờ học từ theo kiểu học tự điển. Văn cảnh chính là những hình ảnh làm cho chúng ta duy trì được từ đó lâu hơn. Do đó khi học từ chúng ta cần quan tâm đến văn cảnh.
Những kỹ thuật giúp chúng ta nâng cao năng lực sử dụng từ phục vụ cho mục đích nghe-hiểu:
Một là, khi gặp bất cứ một từ mới nào ta phải nắm ngay cách phát âm của nó, đặc biệt là trọng âm từ.
Hai là, khi tăng cường các vốn từ vựng để phục vụ cho mục đích nghe-nói, chúng ta quan tâm đến vốn khẩu ngữ vì nói là khẩu ngữ. Chúng ta cần phân biệt những từ chỉ hay dùng trong nói và những từ dùng trong viết.
Muốn nâng cao vốn từ vựng, chúng ta phải nâng cao một cách từ từ, một cách có hệ thống. Hãy xây dựng những vốn từ từ thấp lên cao: 400 từ, 700 từ, 1000 từ, ... bằng cách đọc hệ thống chuyện kể từ thấp lên cao.
Đối với mỗi bậc từ, người học cần tiến hành những bước sau đây: Bắt đầu đọc hệ chuyện chỉ dùng 400 từ. Trong khi đọc:
- Tra nghĩa từ mới. Nắm cách phát âm. Ghi nhớ văn cảnh dùng từ mới đó.
- Quan sát một từ được dùng trong các văn cảnh khác nhau như thế nào. Việc này thực hiện bằng cách đọc nhiều chuyện cùng một trình độ.
- Trong khi đọc chuyện chú ý ghi nhớ lời thoại của nhân vật. Đối thoại trong các câu chuyện cũng chính là những lời nói trong đời sống hằng ngày.
- Cuối cùng kết thúc đọc chuyện bằng mắt là nghe bằng tai để thấm được cách nói của người Anh, thấm được cách phát âm chuẩn.
Xây dựng vốn từ vựng ở trình độ nào cũng phải thực hiện bốn bước như trên. Xây dựng vốn từ vựng theo phương thức này vừa bảo đảm học được nghĩa từ, vừa tăng cường năng lực phát âm, khả năng nhận diện từ bằng tai.

KỸ THUẬT NGHE TRỌNG ÂM
Cách nghe của người Anh là nghe trọng âm, tức là nghe những từ quan trọng trong câu.
Vậy quy trình hiểu một thông điệp qua nghe có hai bước:
1. Nắm bắt những từ có trọng âm câu.
2. Ghép nghĩa của các từ có trọng âm ấy lại với nhau để đoán nghĩa cả câu.
Hai quy trình này xảy ra trong tích tắc. Vì thế ngay từ đầu chúng ta phải luyện tập một cách kiên trì, nếu không thì sẽ quay trở lại thói quen cũ là nghe từng từ.
Khi vào thực tiễn giao tiếp chúng ta sẽ thấy có hai cái khó: một là người Anh nói rất nhanh, và hai là không phải người Anh sẽ nhấn mạnh vào những trọng âm câu thật to thật mạnh. Họ nói tự nhiên hơn, nghĩa là có nhấn mạnh nhưng không dằn mạnh vào trọng âm.
Kiểu nghe trọng âm này giúp ta giảm nhẹ gánh nặng phải nghe những từ không quan trọng trong câu, đặc biệt những câu có trọng âm tương phản, tức người nói chỉ nhấn mạnh vào yếu tố mới xuất hiện mà thôi.
Với những trọng âm bắt được, kết hợp với văn cảnh, tình huống giao tiếp chúng ta có thể hiểu được nội dung thông điệp.
Trong môi trường bản ngữ, điều kiện xã hội giúp chúng ta rất nhiều trong việc xây dựng và nâng cao năng lực hiểu tiếng Anh qua nghe. Tuy nhiên khi chúng ta ở trong môi trường phi bản ngữ thì năng lực này có lẽ khó tạo dựng nhất. Cũng chính vì thế chỉ có học đúng hướng mới giúp ta thành công.

NGHE LẤY THÔNG TIN CHÍNH
Khi nghe tiếng Anh, ý chính của câu thể hiện bằng những từ quan trọng có trọng âm trong câu. Đấy là ở cấp độ câu. Nhưng khi ghép các câu vào trong một đoạn thì không phải câu nào cũng là ý chính. Chỉ có những câu quan trọng mới mang nghĩa chính.
Khó hơn thế nữa là có những thông điệp phải tổng hợp ý nghĩa của tất cả các câu trong đó mới toát lên ý chính. Đây chính là những bình diện khó trong nghe hiểu.
Chúng ta thấy khi nghe cần có mục đích rõ ràng. Đây cũng chính là yếu tố đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm kỹ thuật thích hợp để đáp ứng yêu cầu của mình.

NGHE LẤY THÔNG TIN CHI TIẾT
Sau những ý chính chúng ta phải có những ý phát triển ý chính. Đó chính là ý hổ trợ. Mối quan hệ giữa ý chính và các ý hỗ trợ rất khăng khít nên chúng ta có nắm bắt được ý chính thì mới nắm bắt được các ý hỗ trợ. Trong các ý hỗ trợ có những ý quan trọng hơn và những ý ít quan trọng.
Khi hiểu mình rất chủ động và tự tin, còn nếu mình không hiểu thì mình rất bị động và lúng túng.
Theo tôi các bạn cứ nghe hoài, nghe mãi, nghe trong khung cảnh (tình huống) nghe sẽ tạo cho mình phản xạ rất tốt. Muốn không sợ thì các bạn cứ nghe.
Nếu một cách lý tưởng, khi nghe chúng ta cần nghe được và nhớ được tất cả những ý hỗ trợ ý chính. Nó đòi hỏi phải khổ công rèn luyện năng lực nghe nắm bắt các ý phụ trợ cho một ý chính.
Quy trình của chúng ta bao giờ cũng là nghe lấy ý chính, rồi mới tìm kiếm những ý hỗ trợ.
Để thực hiện một quy trình nghe một cách đầy đủ, chúng ta phải đáp ứng những tiêu chí sau:
- Nhanh chóng phát hiện chủ đề nghe. Nắm bắt được chủ đề, chúng ta sẽ nghe một cách chủ động hơn.
- Phải có kiến thức nền tốt (về chủ đề sẽ nghe). Kiến thức nền tạo điều kiện cho chúng ta một năng lực hiểu cao.
- Có phản xạ nhanh, phát hiện các ý chính và ý hỗ trợ, thông qua luyện tập.
Thường khi luyện nghe, chúng ta thực hiện theo ba bước: phát hiện chủ đề, lấy ý chính, lấy những thông tin chi tiết.

NGHE LẤY THÔNG TIN CẦN ĐẾN
Trong sinh hoạt hằng ngày, có nhiều trường hợp chúng ta nghe theo yêu cầu riêng của mình, tức là chỉ nghe những thông tin mình đang tìm kiếm.
Trong khi nghe chúng ta thường nói là chúng ta phải phát hiện chủ đề. Đó là bước đầu tiên của quy trình nghe. Nhưng sau đó phải đặt cho mình một mục đích: Ta đang cần nghe cái gì? Vậy là sẽ có cái ta không cần nghe.
Như vậy nguyên tắc chung là người nghe chỉ nghe những điều có liên quan đến mục đích nghe của mình, bỏ qua tất cả các thông tin khác. Có một yếu tố giúp ta làm điều này, đó là những từ có tính chất báo hiệu, đây là những đầu mối để nắm bắt thông tin mình cần đến.
Nhưng cái mà tôi luyện tập là khi đài nói ra một từ tiếng Anh, trong đầu tôi lại hiện ra một chữ tương ứng. Khi họ nói ra cả câu, tôi cũng hình dung ra cả câu đó viết như thế nào. Dần dần tôi biết được khả năng của mình là khả năng nhìn vào mặt chữ thì dễ thuộc hơn là nghe để nhớ. Do đó khi nghe câu gì thì hình dung ra thành chữ, rồi từ đấy mà giải nghĩa. Đó là một trong những kỹ năng mà tôi sử dụng.
Xin chú ý, yếu tố báo hiệu, không phải chỉ là một từ. Nó có thể là một nhóm từ hoặc một câu hoàn chỉnh.

Update
NHÌN THẤY NHỮNG ĐIỀU MÌNH NGHE
Để nghe có hiệu quả chúng ta phải xây dựng được hình ảnh trong óc khi nghe tiếng Anh.
Khi nghe không phải chúng ta có thể nắm được tất cả các từ trong câu, vì nhiều lý do. Nhưng yêu cầu của hoạt động nghe là chúng ta phải nắm được tất cả các sự kiện mà người nói đề cập đến.
Trước hết điều quan trọng trong khi nghe là chúng ta phải mường tượng ra được hình ảnh mà người nói đề cập đến. Hay nói cách khác, chúng ta phải “nhìn thấy được những điều ta nghe”. Nếu làm được như vậy, chúng ta mới dễ nhớ và nhớ một cách có hệ thống. Khi nghe ai miêu tả một cảnh nào, một sự kiện nào, nếu chúng ta nhắm mắt lại để nghe thì hình như ta thấy sự kiện đấy cứ nổi dần lên trước mắt ta. Tức là chúng ta cảm thấy như mình đang ở trong sự kiện đấy.
Kỹ thuật này giúp người nghe nhận diện được văn cảnh, nắm bắt được tình huống, và nhờ đó phán đoán được các từ quan trọng để hiểu được toàn bộ thông điệp.
Nếu chúng ta thường xuyên luyện tập kỹ thuật này thì sau một thời gian, khả năng phán đoán nội dung thông điệp bằng văn cảnh của ta sẽ tiến bộ rõ ràng. Đồng thời nó giúp cho chúng ta rút ngắn giai đoạn tiến tới tư duy bằng ngoại ngữ khi nói.

NGHE – CHÉP CHÍNH TẢ
Dùng để học tiếng Anh bằng các tài liệu VOA
B1: Nghe để nắm được chủ đề và sơ lược nội dung bài viết. Trong khi nghe, ghi lại những từ quan trọng trong câu.
B2: Dựng lại thông điệp bằng cách dựng lại từng câu và ghép các câu lại thành bài. Thông điệp này song song với thông điệp gốc chứ không phải là chép là nguyên si bản gốc.
B3: Trình bày nội dung thông điệp bằng cách đọc phát ra tiếng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Wordcount.org: Xét mức độ phổ biến của 1 từ

Trong tiếng Anh, có khoảng 300 000 từ nhưng để nói lưu loát thì chỉ cần khoảng 3000 từ. Và tần suất số lượng 3000 từ lại chiếm tới 95% trong lời nói hàng ngày. Để xem xét 1 từ có nằm trong khoảng 3000 từ thường xuyên sử dụng hay không, bạn dùng trang Wordcount.org. Đây là trang web đưa ra thống kê và sắp xếp những từ tiếng Anh từ phổ biến đến không phổ biến. Hi vọng đây là 1 công cụ để bạn trải nghiệm tiếng Anh tốt Địa chỉ: http://www.wordcount.org/querycount.php

How to write about 2 graphs: IELTS Bar and Line Graph

This is an example of an  IELTS bar and line graph  together. It is not uncommon to get two graphs to describe at the same time in the IELTS test. It can look a bit scary at first. However, when you look more closely, you'll see it is probably no more difficult than having one graph.